Token Quản Trị Là Gì?
Song hành cùng với sự phát triển phi tập trung hóa của tiền điện tử là sự phát triển thành mặt hàng chủ lực trong ngành của các token quản trị. Các dự án phi tập trung như game blockchain, sàn giao dịch phi tập trung (DEX), hay các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO), là những nền tảng chính áp dụng token quản trị. Token quản trị cung cấp cho chủ sở hữu quyền bỏ phiếu cho các quyết định hoặc đề xuất quan trọng có thể định hình tương lai của các dự án này. Không giống như các tập đoàn tập trung, các dự án phi tập trung thường điều chỉnh mục tiêu theo ý muốn của người dùng bằng cách phát hành token quản trị. Sở hữu các token này, người dùng có thể quyết định các đề xuất hiện có hoặc đưa ra các đề xuất mới.
Nguồn gốc của token quản trị
Tiền điện tử đầu tiên, Bitcoin, chỉ hoạt động như một token tiện ích trong việc hỗ trợ các giao dịch ngang hàng. Tuy nhiên, sự phát triển của Ethereum năm 2014 đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên phi tập trung. Bằng cách nắm giữ token Ethereum, người dùng trở thành một phần của các bên liên quan có thể gửi đề xuất cải tiến cho Ethereum.
DAO
DAO là nỗ lực đầu tiên trong việc tạo ra một thiết lập thực sự phi tập trung. DAO dựa trên Ethereum đã ra mắt thông qua một ICO vào ngày 30 tháng 4 năm 2016 và được coi là một VC do cộng đồng lãnh đạo. Thật không may, một số tin tặc ẩn danh đã khai thác các lỗi trong code gốc. Việc khai thác DAO đã dẫn đến nhánh rẽ đầu tiên của chuỗi khối Ethereum và có tác động rất lớn. Việc chia tách là cần thiết để giảm tác động của khoản lỗ 150 triệu đô la bằng cách chia các token sang một chuỗi song song. Cuối cùng, chiến lợi phẩm của những kẻ tấn công chỉ trị giá 8,5 triệu USD.
MakerDAO
MakerDAO MKR ra mắt vào năm 2017 là một trong những trường hợp thành công nhất của token quản trị. Những người nắm giữ MKR trên toàn cầu có thể quyết định các vấn đề quan trọng xung quanh stablecoin được hỗ trợ bằng tiền điện tử phổ biến - DAI. Do đó, khi DAI thành công, MKR càng được đánh giá cao khi có càng nhiều người quan tâm và tham gia cộng đồng hơn. Vậy nên, có thể nói, quyền biểu quyết là tiện ích token quan trọng nhất của MKR.
Cách hoạt động của token quản trị
Hầu hết các dự án đều cẩn thận phân bổ và đặt tham số cho token quản trị làm công cụ ra quyết định chính. Ở cấp độ cơ bản, việc sở hữu token quản trị bằng cách mua hoặc phân phối cho phép người dùng có số phiếu bầu tương đương. Vì các nhà phát triển dự án thường xác định và cập nhật các tham số để bỏ phiếu trên chuỗi nên họ không thể thao túng các quyết định.
Giống như các cổ đông trong các tập đoàn, những người nắm giữ token quản trị có cổ phần và quan tâm đến sự thành công của giao thức. Họ thường chịu rủi ro về một quyết định tồi tệ gây thiệt hại cho dự án. Do đó, hầu hết những người tham gia vào các dự án phi tập trung thường xem xét các đề xuất một cách cẩn thận trước khi gửi đi.
Việc bỏ phiếu trên các nền tảng phi tập trung được thực hiện trên chuỗi khối, với nút đồng ý hoặc không dành cho người tham gia trong quá trình bỏ phiếu. Một số dự án yêu cầu các tiêu chí bổ sung để người tham gia thực hiện quyền biểu quyết của mình. Việc đặt ra các tiêu chí như vậy sẽ ngăn chặn việc bán phá giá và thao túng bởi những cá voi mua token để có một vị trí trong quá trình ra quyết định. Ví dụ, dự án Optimism yêu cầu người dùng phải nắm giữ một lượng OP cố định trong suốt đợt bỏ phiếu trước đó để bỏ phiếu cho các đề xuất.
Các vấn đề điển hình được quyết định thông qua biểu quyết phụ thuộc vào bản chất của dự án. Chẳng hạn, một giao thức stablecoin trên chuỗi như MakerDAO có thể bỏ phiếu về việc loại bỏ cơ hội rủi ro và tăng tính sự ổn định. Mặt khác, một sàn trao đổi phi tập trung như Uniswap có thể quan tâm đến việc điều chỉnh phí để tăng tính thanh khoản. Một vấn đề phổ biến khác mà các dự án thường bỏ phiếu là phân bổ vốn cho các hạng mục khác nhau của giao thức để có thể tăng trưởng bền vững.
Các loại quản trị
Quản trị có thể được thực hiện trên chuỗi (on-chain) hoặc ngoài chuỗi (off-chain). Trong quản trị ngoài chuỗi, nhóm cốt lõi thường chuyển phần lớn kết quả thành code và các bản nâng cấp cho tất cả những người tham gia xem sau khi hoàn thành khung thời gian hoặc quy trình. Các chuỗi khối phi tập trung sử dụng các đề xuất ngoài chuỗi thường được điều hành bởi một nhóm các nhà phát triển phi tập trung giao tiếp qua các kênh xã hội. Ethereum là ví dụ điển hình về các đề xuất ngoài chuỗi, thường được gắn nhãn EIP (Đề xuất Cải tiến Ethereum). Mặc dù Ethereum Foundation chỉ định rằng bất kỳ ai cũng có thể gửi đề xuất trình bày các đề xuất này, Ethereum Foundation vẫn đòi hỏi người dùng phải có hiểu biết cơ bản về dự án.
Quản trị trên chuỗi rất đơn giản vì việc dịch các quyết định của người dùng thành code là tự động. Các tham số quyết định được mã hóa cứng trên chuỗi trước khi bắt đầu bỏ phiếu. Sau khi bỏ phiếu, đa số phiếu sẽ tự động được thực hiện trên mạng. Các nhà phát triển của các dự án này thường kiểm tra các tham số đặt trước trên mạng thử nghiệm trước khi bỏ phiếu.
Sự khác biệt giữa token quản trị và các loại token khác
Token quản trị cho chủ sở hữu chúng quyền biểu quyết. Những người nắm giữ token quản trị thường cẩn thận về các quyết định của dự án và thường là những người có niềm tin vững chắc vào dự án. Token quản trị không hoàn toàn là token tiện ích, mặc dù hầu hết các giao thức phi tập trung đều mang lại lợi ích bổ sung cho chủ sở hữu token quản trị. Ví dụ, Giao thức Curve thưởng cho người dùng bằng token quản trị CRV cho các hoạt động và tính nhất quán của họ trên nền tảng. SUSHI, UNI và những giao thức khác cũng trao phần thưởng staking bằng cách sử dụng các tiêu chí cam kết và nhất quán tương tự.
Ưu điểm của token quản trị
Token quản trị thúc đẩy phi tập trung hóa bằng cách giúp các nhà phát triển xây dựng các phiên bản toàn diện của các tập đoàn tập trung trên chuỗi. Token quản trị cũng thúc đẩy sự đa dạng về quan điểm, tiến độ và sự bao quát trong các giao thức DeFi.
Việc ban hành và phân phối quyền quản trị đã thiết lập lên một số cộng đồng lớn mạnh nhất DeFi từng thấy. Ví dụ, số lượng chủ sở hữu token UNI, CRV và MKR đã tăng đáng kể do các tính năng quản trị mà mỗi nền tảng cung cấp.
Nhược điểm của token quản trị
Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề liên quan đến token quản trị. Lớn nhất trong số đó là các cá voi thể chế. Những cá nhân giàu có sẽ cố gắng thúc đẩy quyết định của giao thức có lợi cho họ bằng cách mua một lượng lớn token. Cho phép những nguồn ảnh hưởng như vậy tồn tại là đi ngược lại các lý tưởng về phi tập trung hóa, nhưng lại rất khó để ngăn chặn điều này.
Vấn đề cuối cùng bắt nguồn từ bản chất của token quản trị. Không giống như cổ phần của một công ty nơi có thể xác định được ban giám đốc và CEO, một số DAO được quản lý bởi các nhóm ẩn danh. Rất khó để quy trách nhiệm cho bất kỳ ai khi các dự án như vậy thất bại.
Tương lai của token quản trị
Khi mối quan tâm của hầu hết mọi người trên toàn cầu bắt đầu chuyển sang hướng làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, các tập đoàn lớn sẽ dần phát triển thành DAO. Điều tiếp theo sẽ là tạo ra một khung pháp lý khả thi cho DAO. Tại thời điểm viết bài này, chỉ có Bang Wyoming của Hoa Kỳ có quy định cho DAO là các công ty TNHH.
Việc mở rộng thực tế ảo sang thế giới thực cũng sẽ tăng tốc nhu cầu về token quản trị. Những token này có thể được sử dụng để quản lý toàn bộ các thành phố và quốc gia khi mà thế giới cũng đang ôm ý tưởng về các metaverse và các thành phố bên trong metaverse. Nhiều người tin rằng những thành phố kết hợp liền mạch thế giới vật lý với thế giới ảo sẽ là tương lai. Token quản trị sẽ giúp việc quản lý các tập đoàn và thành phố trở nên dễ dàng, khuyến khích sự tham gia chính trị và mở đường cho quản trị công bằng.
Những dự án trong tương lai này có thể khám phá ra những cách tốt hơn để giải quyết các vấn đề với token quản trị. Ví dụ, một số dự án DeFi gần đây đã triển khai các chức năng ngăn chặn cá voi như một phần trong code tổng thể. Các chức năng như vậy sẽ ngăn cá voi cá nhân và tổ chức tích lũy token gây bất lợi cho lý tưởng phi tập trung. Để đảm bảo trách nhiệm giải trình, hầu hết các dự án blockchain cũng đang phát triển các cách để chứng minh cam kết của mình trên chuỗi. Các số liệu thuật toán chính xác hơn cho bằng chứng cam kết dự kiến sẽ sớm ra mắt.
Câu hỏi thường gặp
Token quản trị “tốt” là như thế nào?
Khi các nhà phát triển chân chính thiết lập một dự án và token của dự án được phát hành theo tokenomics trong sách trắng của dự án, token quản trị của dự án đó được coi là token quán trị “tốt”.
Token quản trị có giá trị không?
Có, token quản trị có giá trị, và giá trị này phụ thuộc vào dịch vụ hoặc giải pháp được cung cấp bởi dự án phát hành.
Cardano có phải là token quản trị không?
Không, Cardano không phải token quản trị do các đề xuất của Cardano nằm ngoài chuỗi và được quản lý bởi các nhà nghiên cứu hàn lâm, không phải chủ sở hữu token.
© 2024 OKX. Có thể sao chép hoặc phân phối toàn bộ bài viết này, hoặc dùng đoạn trích từ 100 từ trở xuống trong bài viết này, cho mục đích phi thương mại. Mọi hành vi sao chép hoặc phân phối toàn bộ bài viết đều cần nêu rõ: "Bài viết này thuộc bản quyền của © 2024 OKX và được sử dụng với sự cho phép". Các đoạn trích hợp lệ phải trích dẫn tên của bài viết và đưa phần ghi công vào, ví dụ: "Tên Bài viết, [tên tác giả nếu có], © 2024 OKX". Không được tạo tác phẩm phái sinh hay dùng bài viết này cho mục đích khác.